Vạch trần dấu hiệu nâng khống giá bán máy in hiệu Konica Minolta tại Việt Nam!

Khi những thông tin liên quan đến nghi án nâng khống giá bán máy in C1100 hiệu Konica Minolta (Nhật Bản) lên đến hàng tỷ đồng chưa kịp lắng, thì mới đây thông qua những bằng chứng quan trọng khác đã phần nào hé lộ một sự thật mà nếu người tiêu dùng biết được chắc chắn sẽ không thể chấp nhận.
                                    Vạch trần giá trị của chiếc máy in hiệu Konica Minolta

Lộ diện những bằng chứng nâng khống giá bán!

Tại Việt Nam, đơn vị trực tiếp đại diện kinh doanh cho Hãng Konica Minolta (Nhật Bản) là Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam (KMV), ngoài ra cũng có một số đại lý ủy quyền có trụ sở đóng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Trong số đó có Công ty TNHH Thương Mại Tư Vấn Kỹ Thuật Sao Nam (Sao Nam), một trong những đại lý ủy quyền lâu năm của KMV và cũng là đơn vị mới đây bị dính đến nghi án nâng khống giá bán máy in Bizhub Press C1100 hiệu Konica Minolta lên đến hàng tỷ đồng.

Khi thông tin “nghi án nâng khống giá bán máy in hiệu Konica Minolta (Nhật Bản) tại Việt Nam” được báo chí đề cập, thì ngay lập tức đã thu hút sự chú ý đặc biệt của giới in ấn, dư luận và người tiêu dùng.

Đặc biệt, khi mới đây, việc một số bằng chứng mới được tiết lộ đã phần nào góp phần khẳng định những thông tin “bất minh” về giá và nâng khống giá bán là hoàn toàn có cơ sở.
                   Chứng thư thẩm định giá đã góp phần bóc trần dấu hiệu nâng khống giá bán

Đó là hàng loạt bảng báo giá được Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam (KMV) và các đại lý ủy quyền gửi đến cho khách hàng với nhiều loại giá khác nhau trên cùng một sản phẩm trong cùng một thời điểm.

Cụ thể máy in màu kỹ thuật số Bizhub Press C1100 hiệu Konica Minolta tại thời điểm tháng 7/2015 có nhiều giá chênh lệch như:Ngày 20/7/2015 KMV báo giá cho khách hàng là 2,2 tỷ đồng, đến ngày 23/7/2015 KMV báo giá gửi cho Công ty CP Giám định Sài Gòn Control lại tăng lên 3,3 tỷ đồng, tăng hơn 1,1 tỷ đồng.

Ngày 16/7/2015 Công ty TNHH Thương mại Tư vấn Kỹ thuật Sao Nam (Sao Nam) báo giá cho khách hàng là 2 tỷ đồng. Ngày 17/7/2015 Công ty TNHH TMDV Sao Nam An báo giá hơn 3,8 tỷ đồng. Cũng trong ngày 17/7/2015 nhưng với Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Sài Gòn (STS) thì báo giá chỉ có 1,8 tỷ đồng, so với Cty Sao Nam An rẻ hơn 2 tỷ đồng. Ngày 20/7/2015 STS báo giá cho Công ty CP In 474 giá chỉ 1,7 tỷ đồng/máy…

Với những bảng báo giá nhảy múanày có thể dễ dàngnhận thấy được sự bất thường về giá do chính chính KMVvà các đại lý ủy quyền đưa ra. Điều này càng chứng tỏ rằng cả KMVvà các đại lý ủy quyền đều không trung thực hay nói cách khác là có dấu hiệu của sự gian dối về giá sản phẩm nhằm thu lợi bất chính?

Chưa dừng lại đó, một trong những bằng chứng khiến cho người tiêu dùng và cả giới in ấn phải hết sức bất ngờ đó là “Chứng thư thẩm định giá” do Công ty Thẩm định giá Sài Gòn thiết lập, nó tiết lộ một sự thật về giá trị chiếc máy in C1100 hiệu Konica Minolta vào thời điểm năm 2014 khi mà Sao Nam bán cho Saigonbook với giá trên 3,4 tỷ đồng.

Cụ thể, sau khi Saigonbook có được những bằng chứng thể hiện việc mình bị dính bẫy nâng khống giá bán của Sao Nam. Ngay lập tức đơn vị này đã tiến hành các thủ tục để thẩm định giá.

Tại kết quả thẩm định của Công ty Thẩm định giá Sài Gòn ký ngày 06/8/2015 nêu rõ: “Trên cơ sở khảo sát, phân tích các dữ liệu thị trường và áp dụng các phương pháp thẩm định giá tiên tiến, phù hợp với tài sản thẩm định giá tại thời điểm thẩm định có kết quả như sau: Giá trị máy in KTS Bizhub Press C1100 hiệu Konica Minolta thời điểm tháng 07/2014 có giá thị trường là 1,9 tỷ đồng (kết quả thẩm định có độ sai lệch khoản 10% so với giá thị trường).

Và như vậy, bảng kết quả thẩm định giá được xem là một trong những bằng chứng pháp lý quan trọng trong việc vạch trần dấu hiệu nâng khống giá bán của Sao Nam.

Lộ ý định trấn an dư luận!

Sau khi nghi án nâng khống giá bán máy in C1100 hiệu Konica Minolta (Nhật Bản) tại thị trường Việt Nam được người tiêu dùng biết đến thì ngay lập tức một động thái tích cực từ đại lý ủy quyền của Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam được đưa ra đó là gửi đề nghị mua lại chiếc máy đã gây ra sự việc lùm xùm trên.


        Sao Nam chính thức gửi đề nghị mua lại máy in C1100 hiệu Konica Minolta từ Saigonbook

Cụ thể ngày 07/10/2015, Cty Sao Nam đã chính thức gửi đề nghị tới Saigonbook để mua lại máy in Bizhub Press C1100 hiệu Konica Minolta với giá hơn 3,1 tỷ đồng nhưng lại đính kèm theo các điều kiện bắt buộc như: Saigonbook phải gửi văn bản xin lỗi đến Sao Nam và KMV về những phát ngôn không đúng sự thật, không đúng luật….; Saigonbook phải gửi văn bản đến các tổ chức, cơ quan truyền thông, khách hàng của KMV… để đính chính lại những thông tin sai sự thật mà Saigonbook đã gửi đi; Saigonbook phải cam kết không thực hiện bất cứ hành động hoặc tuyên bố không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín của Sao Nam và KMV dưới bất kỳ hình thức nào…

Và với kiểu đề nghị như trên thì không biết Saigonbook sẽ phản hồi như thế nào nhưng có một điều rất dễ nhận thấy đó là: việc đính kèm những điều kiện theo kiểu áp đặt buộc khách hàng đang bị thiệt thòi vì mua phải sản phẩm không đúng giá trị thật hay nói cách khác là mua hàng với giá chênh lệch hơn hai tỷ đồng đi xin lỗi người bán, đính chính thông tin về sự thật trên và cam kết không thực hiện lại những thông tin kiểu gây ảnh hưởng đến uy tín của người bán là điều khó có thể thực hiện.

Tuy nhiên với tinh thần tích cực lo đi mua lại máy đang dính nghi án nâng khống giá bán của Công ty Sao Nam thì chẳng khác nào là lời tự thú để “trấn an dự luận” nhằm tránh gây phiền phức ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp cũng như sự nghiệp kinh doanh lâu dài của công ty Sao Nam.

Dù sao, đến giờ phút này, những thông tin mới nhất đã cho thấy phần nào của bức tranh của vụ việc trên, nhất là khi sự việc lại liên quan trực tiếp đến thương hiệu máy in Konica Minolta, một thương hiệu nổi tiếng đến từ Nhật Bản có thị trường kinh doanh tại Việt Nam. Và dĩ nhiên, trong sự việc này không thể không nhắt đến vai trò, trách nhiệm của chính Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam khi sản phẩm của doanh nghiệp mình dính phải nghi án nâng khống giá bán.

Vietnamfdi.vn sẽ tiếp tục thông tin những diễn biến tiếp theo đến bạn đọc.
NH
Nguồn:http://vietnamfdi.vn/vach-tran-dau-hieu-nang-khong-gia-ban-may-in-hieu-konica-minolta-tai-viet-nam/

Đăng nhận xét